HÌNH LỚP 82

HÌNH LỚP 82

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: LỊCH SỬ A101-ĐOÀN 962

Kính thưa thầy cô giáo cùng các bạn học sinh yêu quý!
Nhà văn Mác- xim Góc- ki đã từng nói: "Mây đen có thể  che được ánh sáng mặt trời nhưng không thể che được ánh sáng của sách mang lại".
         Đúng vậy, mỗi một cuốn sách đều mang lại rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống không chỉ với người lớn với trẻ thơ, mỗi một cuốn sách là một thế giới bí ẩn,  khám phá nó ta sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống. Đọc sách là một thú vui lành mạnh, là công việc cần thiết trong suốt cuộc đời của mỗi con người.
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ tư nhằm phát động phong trào đọc sách sâu rộng trong toàn dân và Chào mừng kỉ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975- 30/4/2017,  là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc
     
          Kính thưa các thầy cô giáo cùng bạn học sinh !
Cùng với xẻ dọc Trường Sơn, mở đường mòn Hồ Chí Minh, một con đường Bắc - Nam bí mật trên biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã được mở vào ngày 23-10-1961. Đoàn 962 là lực lượng vận tải chiến lược trên con đường biển này, đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu không số với bao kỳ tích, đã đi vào lịch sử dân tộc như một chiến công huyền thoại, là một biểu tượng của bản lĩnh chính trị và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.Để ghi nhớ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, những công lao và sự hy sinh to lớn của cán bộ chiến sĩ A101 Đoàn 962 đồng thời làm cơ sở ôn lại truyền thống tốt đẹp của cha anh, hôm nay, chi đội lớp 8/2 xin trân trọng kính giới thiệu đến tất cả thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các bạn học sinh cuốn sách “Lịch sử A101- Đoàn 962 Bến- Bến Tre (1961-1976)” do  nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành vào năm 2011.
Cuốn sách “Lịch sử A101- Đoàn 962 Bến- Bến Tre (1961-1976)” dày 256 trang với khổ sách 14,5x20,5 . Nội dung cuốn sách được trình bày gồm phần chính sử và phần phụ lục. Phần chủ yếu trình bày các nội dung từ giai đọan mở đường, mở bến tiếp nhận và hoạt động, chuyển địa bàn đến biên giới Campuchia, trở về Bến Tre mở bến lần hai. Phần phụ lục có các bài viết về những nội dung liên quan trực tiếp đến A101 qua các thời kỳ của các đồng chí là nhân chứng, chỉ huy lãnh đạo Bến, hình ảnh và danh sách cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Với ngôn ngữ  giản dị, lời văn chân thật không trau chuốt  cuốn sách đã đem đến cho người đọc có điều kiện tìm hiểu một cách có hệ thống, đầy đủ hơn về sự kiện, nhân chứng liên quan đến con đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển, một biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc cho đông đảo quần chúng.
Mở đầu  cuốn sách “Lịch sử A101- Đoàn 962 Bến- Bến Tre (1961-1976) ta hiểu thêm được thế nào là Bến, Bến được hình thành và ra đời như thế nào.
Tuyến “Đường Hố Chí Minh trên biển”, có nhiều Bến ở các tỉnh bạn, nhưng Bến ở Bến Tre có một đặc thù riêng, là vị trí chủ yếu đứng chân của Ban Chỉ huy Đoàn 962, lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của đơn vị từ Cà Mau đến Bà Rịa. Nơi đây vừa là Bến tiếp nhận và trạm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển, đồng thời làm nhiệm vụ đầu mối cấp phát trang bị cho lực lượng chiến đấu của Quân khu 8 và tỉnh Bến Tre. Là một đơn vị hoạt động có tính chất đặc biệt, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương và các quân khu theo địa bàn đóng quân, biên chế tương đương cấp trung đoàn, thuộc Đoàn 962, một thời gian sau giảm biên chế đến cấp phân đoàn chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Quân khu 8.
          Kính thưa quý thầy cô và các bạn!
          Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, với mưu đồ biến miền Nam nước ta thành thuộc đia kiểu mới, tấn công miền Bắc, Mỹ dựng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm , nhân dân miền Nam phải chịu nhiều cảnh chết chóc đau thương dưới bàn tay đẫm máu của kẻ thù. Tháng 2. 1961theo chỉ đạo của Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy và Ban Quân sự tỉnh Bến Tre chọn một số cán bộ trung kiên  giỏi nghề biển, xây dựng bộ phận chuẩn bị mở đường. Trước khi thuyền xuất phát, thay mặt lãnh đạo Khu 8, đồng chí Nguyễn Văn Khước đến giao nhiệm vụ: “Các đồng chí ra đi là để báo cáo tình hình miền Nam với Trung ương Đảng và Bác Hồ để xin vũ khí chi viện cho miền Nam,một nhiệm vụ đặc biệt có ý nghĩa lịch sử sống để bụng chết mang theo”.
Với lòng yêu nước, những người dân anh dũng kiên cường hướng mũi thuyền về miền Bắc khi trong tay chỉ có những phương tiện dẫn đường mà ít người đi biển dám dùng đến. Các đồng chí đã băng qua giông bão, sóng to gió lớn, có lúc chênh vênh trôi dạt giữa muôn trùng trời nước, phải ra khơi xa rồi quay vào bờ, tránh những cơn gió mùa đông bắc và tránh né địch tuần tra canh phòng. Đọc đến đây những tưởng các chiến sĩ của chúng ta không thể hoàn thành được nhiệm vụ, thế nhưng ở trang 25 ta lại bắt gặp tinh thần phấn chấn, vui tươi, niềm tin và hy vọng qua bài thơ tự sáng tác đọc cho nhau nghe:
“Đường đi đất Bắc rất gay go
Thuyền Nam gặp sóng lại gió to
Mênh mông trời đất nghìn xa thẳm
Núi non ngăn cách dạ không sờn
Quyết tâm vượt biển đi đến chốn
Chấp hành nghị quyết Đảng đề ra”
Thật ngưỡng mộ biết bao tinh thần thép của các chiến sĩ. Chúng ta hãy cùng mở ra trang 37 của cuốn sách để hiểu hơn về công tác an ninh luôn được đặt lên hàng đầu với khẩu hiệu:
“Ở đây tai vách, mặt rừng,
Những điều bí mật xin đừng lộ ra
Mong anh đừng có ba hoa
Những điều Bác dạy anh mà học chưa”
Việc xây dựng và bảo vệ bến tàu được tiến hành bằng cách chọn một đoạn rạch sâu trong căn cứ, nơi tàu trọng tải khoảng trăm tấn có thể đi vào được, hai bên có nhiều cây bần cao cành lá đan nhau che phủ, máy bay địch không thể nghi ngờ hoặc phát hiện.
Càng đọc hình ảnh của các anh chiến sĩ hiện lên đầy anh hùng khiến cho người đọc cảm nhận như mình đang được hòa mình vào không khí chiến trận của một thời máu lửa. Chúng ta hãy cùng mở ra chương Đánh càn “sóng thần 5” từ trang 123 của cuốn sách để thấy được các chiến sĩ Đoàn 962 đã chiến đấu như thế nào để bảo vệ Bến: “Ngày 6 tháng 1 năm 1967 địch bắt đầu mở cuộc càn mang tên “Sóng thần 5”, chỉ riêng tên gọi cũng đã nói lên ý đồ ngông cuồng hống hách của địch,đây cũng là cuộc càn đầu tiên hết sức quy mô và ác liệt của quân Mỹ ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng và cơ quan đầu não, san bằng hậu cứ, phá hủy kho tàng và bến bãi của ta trên đất Bến Tre đồng thời phô trương sức mạnh của quân đội Mỹ”. Bình tĩnh nhận định tình hình địch, đồng chí Bảy Thanh phân công nhiệm vụ, Phó chính ủy Năm Sến động viên: “Tất cả 19 đồng chí là đội tiên phong đánh Mỹ của đoàn 962. Chúc các đồng chí thành công. Ban chỉ huy đoàn chừ tin chiến thắng của các anh”. Tất cả đưa tay hô to “ Quyết tâm, quyết tâm chiến thắng, chiến thắng”, tiếng cười rộn vang tràn đầy lòng tự tin chiến thắng trước giờ xuất trận”.
“Khoảng 6 giờ 30 phút, pháo hạm đội bắn liên tục, toàn đội nổ súng,lựu đạn thủ pháo đánh tới tấp vào đội hình của địch. Ta diệt sạch bọn lọt vào trận địa,những tên đi sau đứng sựng lại như bức tượng gỗ. Khoảng 17 giờđồng chí Chín Toan xin đánh lần cuối. Với quân số 19 đồng chí, trạng bị ba súng ngắn, một trung liên Anh, một khẩu AK, trên 30 lựu đạn và thủ pháo, đội trinh sát Đoàn 962 đã diệt 67 tên Mỹ,bắn rơi một máy bay UHIA”. Sau trận đánh, 19 đồng chí trinh sát Đoàn 962 được tặng danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ” từ cấp III đến cấp ưu tú.

Đi sâu vào từng trận đánh của quân và dân Bến Tre nói chung, Đoàn 962 nói riêng chúng ta càng thấy rõ hơn sự vất vả của các anh không đêm nào được ngon giấc, tiếng đạn, tiếng máy bay giằng xé cả trời biển. Các anh vẫn dũng cảm chiến đấu, nhưng tiếc thay trọng trách được Tổ quốc giao phó chưa thành thì các anh đã phải nằm xuống ra đi trong nỗi đau. Cuộc hành trình mở đường, giữ đường Đường Hồ Chí Minh trên biển đầy gian khổ, đó là khoảng thời gian rất dài trải qua bao mất mát. Con đường ấy rất dài nhưng ý chí giành giành độc lập của các anh lại càng dài hơn.
Với lối kể chuyện lôi cuốn theo từng giai đoạn chiến đấu của người lính và phong cách tả thực, cuốn sách như một thước phim tư liệu phản ánh hiện thực chiến tranh và những người lính biển đang đấu tranh, giữ gìn chủ quyền biển đảo của mình như thế nào.
Cuốn sách “Lịch sử A101- Đoàn 962 Bến- Bến Tre (1961-1976)” vẫn còn nhiều câu chuyện cảm động khác nữa. Mỗi câu chuyện đều mang một dòng cảm xúc riêng và thể hiện hình ảnh người lính ở những trận đánh khác nhau. Và dù ở bất kỳ nhiệm vụ nào hình ảnh người lính vẫn yêu đời, vô tư, hồn nhiên và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thưa toàn thể quý thầy cô giáo  và các bạn học sinh thân mến!
“Trái tim của người chiến sĩ” hòa quyện với “thế trận lòng dân” lập nên bến cảng không bảng hiệu và những người ra đi mở đường hướng dẫn các dũng sĩ Hải quân Việt Nam bất chấp sự ngăn chặn của kẻ thù, vượt trùng dương đưa nhiều ngàn tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ, góp phần cùng cả nước đánh bại đế quốc xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai, hoàn thành sự nghiệp giải phóng niềm Nam, thống nhất Tổ quốc.
          Trong không khí sôi nổi chào mừng 42 năm ngày Đại thắng mùa xuân giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30.4, hơn nữa hưởng ứng Ngày Hội sách Việt Nam, tập thể lớp 8/2 xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Lịch sử A101- Đoàn 962 Bến- Bến Tre (1961-1976)” đếntoàn thể quý thầy cô, các bạn học sinh. Cuốn sách có nội dung không mới những một lần nữa đưa bạn đọc về với một vùng đất Bến Tre anh hùng với những người con anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng với “Đường Hồ Chí Minh trên biển” với những con tàu “không số” làm nhiệm vụ bí mật, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thồng nhất đất nước.
                 
                 
          Hy vọng rằng, “Lịch sử A101- Đoàn 962 Bến- Bến Tre (1961-1976)” sẽ là món quà vô giá để thế hệ học sinh chúng ta biết yêu thương, trân trọng, tri ân những người anh hùng đã làm nên, giữ gìn con đường biển- chủ quyền của quốc gia Việt Nam
          Sách hiện có tại Thư viện Trường THCS Lý Tự Trọng, xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn!
                                          Tháng 4/2017
 Đoàn Phương Ý Như- lớp 8/2 Trường THCS Lý Tự Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét